Nữ y tá cứu người dẫn chương trình thoát chết kịp thời nhờ… xem ti-vi

phongvienbuouco

Anh Tarek El Moussa.

Nữ y tá Mỹ khi xem ti-vi thì phát hiện cổ của người dẫn chương trình có dấu hiệu khác thường. Vì vậy, cô đã gửi một lá thư đến tổ sản xuất chương trình. Người này lập tức đi khám, kết quả là bị ung thư tuyến giáp và được phẫu thuật kịp thời. Một chuyện cứu người khá hy hữu.

Anh Tarek El Moussa, người dẫn chương trình “Flip or Flop” của kênh truyền hình HGTV của Hoa Kỳ cho biết, người thân và những người xung quanh anh đều không cảm thấy ở anh có bộ phận nào khác thường.

Mãi cho đến một ngày vào năm 2013, tổ làm chương trình của anh đã nhận được một lá thư từ khán giả gửi đến. Trong thư, người viết tự giới thiệu mình tên là Ryan R. N, và là một y tá. Cô R. N nói rằng dựa vào kinh nghiệm phán đoán của mình, tuyến giáp của anh Moussa nhất định có vấn đề, nhưng cô không thể đưa rất bất kỳ kết luận nào, mà chỉ hy vọng anh hãy đến ngay bệnh viện để kiểm tra.

Lúc ấy, anh Moussa, 32 tuổi, nhận được lá thư này đã lập tức tới bệnh viện kiểm tra, và được bác sĩ kết luận bị ung thư tuyến giáp. Các bác sĩ đã đề nghị anh phẫu thuật ngay lập tức để cứu tính mạng của mình.

giaoluuyta

Ạnh Moussa cùng vợ và nữ y tá Ryan R.N (bên phải) trong một chương trình truyền hình sau khi anh đã phẫu thuật thành công.

Sau khi trải qua quá trình điều trị, anh Moussa đã bình phục. Anh gửi lời cảm ơn tới nữ y tá Ryan R.N trên truyền hình. Vì để phổ cập cho mọi người về cách phát hiện và đề phòng ung thư, chương trình truyền hình “The Drs” đã mời vợ chồng anh Moussa và nữ y tá Ryan tới nói chuyện, và trao đổi chia sẻ kinh nghiệm của mình.

(Theo daikynguyenvn)

Cây thòng bong – “hải kim sa” trong đông y

Cây thòng bong còn có tên là bòng bong, dương vong, thạch vĩ dây… Đông y gọi là “hải kim sa” vì lá lóng lánh như những hạt cát vàng (kim sa). Là loại cây leo, thân rễ bò, lá dài, có nhiều cặp lá chét, mỗi lá chét có nhiều lá chét con mang ổ tử nang ở mép. Bao tử hình 4 mặt trắng xám hơi vàng. Vòng đầy đủ nằm ngang gần đỉnh bao tử nang.

Cây mọc hoang khắp nơi, thường thấy ở bụi rậm, bờ rào . Bộ phận được sử dụng làm thuốc là cả dây mang lá, dùng tươi hay phơi khô. Thu hái quanh năm.

Thòng bong vị ngọt, tính lạnh. Quy vào hai kinh tiểu trường và bàng quang. Có tác dụng thông lâm, thanh nhiệt giải độc và lợi thấp. Chủ trị các chứng thủy thũng, tiểu tiện khó khăn, mụn nhọt sang lở, vết thương do bỏng

Bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian

– Chữa chứng tiểu tiện khó khăn, nước tiểu đỏ: Thòng bong 24g cho 400ml nước,  đun sôi khoảng 15 phút, có thể thêm chút đường, uống thay trà trong ngày.

Có thể thay thế bằng các vị thuốc sau: Thòng bong 100g, mang tiêu 100g, hổ phách 40g, bằng sa 20g. Tất cả tán thành bột,  uống ngày 5 – 8g, chia  3 lần, chiêu với nước ấm.

 Bạch truật phối hợp với thòng bong chữa khó tiêu.

Chữa bỏng lửa

(bỏng nhẹ, vết thương hẹp): Thòng bong 25g, đốt tồn tính, nghiền thành bột mịn, trộn với ít dầu vừng bôi, rửa sạch vết thương vào chỗ bị bỏng.

Sản phụ ít sữa: Thòng bong 12 – 24g, rửa sạch, đổ 400ml nước, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. Dùng liền 5 ngày.

Chữa ăn uống khó tiêu, bụng trướng đầy do thấp trệ: thòng bong 20g, bạch truật 8g, cam thảo 2g. Đổ 500ml nước sắc còn 150ml, chia 2 lần uống trong ngày. Uống sau ăn 15 phút. Uống 5 – 10 ngày.

Lưu  ý: Người tì vị hư hàn không dùng.

 (Lương y Hữu Đức)

HẢI KIM SA

Tên khác:  Hải kim sa còn có tên “bòng bong”, “dương vong”, “thạch vĩ dây” …   Đông y gọi là “hải kim sa” vì cây này có rất nhiều bào tử (nhiều như biển – hải) lóng lánh như những hạt cát vàng (kim sa).

Tên thuốc: Spora Lygodii

Tên khoa Học: Lyofodium japonium (Thunb) SW.

Bộ phận dùng: Bào tử khô.

Tính vị: vị ngọt, tính hàn.

Qui kinh: Vào kinh Bàng quang và Tiểu trường.

Tác dụng: Tả thấp nhiệt ở Bàng quang, Tiểu trường và phần huyết, thông lâm, lợi thấp.

Chủ trị: Trị tiểu ra mủ, tiểu buốt, sỏi đường tiểu.

Bào chế: Cây này mọc hoang khắp nơi, thường thấy ở bụi rậm, bờ rào … Khi dùng làm thuốc, cắt toàn cây dùng tươi hay phơi khô, không phải chế biến khác. Trong nhân dân dùng toàn cây thòng bong sắc uống làm thuốc thông tiểu tiện, chữa chứng tiểu tiện khó khăn, đái dắt, đái buốt, đái ra cát sạn; đại tiện táo bón; chữa chấn thương ứ máu (uống trong, bó ngoài); giã nát đắp các vết thương phần mềm, vết loét, chín mé, ecpet loang vòng (mụn rộp loang vòng); có người còn dùng làm thuốc lợi sữa. Tại Trung Quốc người ta dùng toàn cây chữa lỵ, đái ra cát sạn, ngoại thương xuất huyết, viêm bàng quang, viêm thận mạn tính.

Một số bài thuốc kinh nghiệm:

Chữa ăn uống khó tiểu, bụng trướng đầy do thấp trệ (tỳ thấp trướng mãn): Hải kim sa 30g, Bạch truật 8g, Cam thảo 2g; sắc nước uống mỗi ngày một thang (Tuyền Châu bản thảo).

Toàn thân phù thũng, bụng trướng như cái trống, nằm không thở được: Hải kim sa 15g, hạt Bìm bìm (khiên ngưu tử) 30g – một nửa để sống một nửa sao chín, Cam toại 15g; tất cả nghiền thành bột mịn, trộn đều. Mỗi lần dùng 8g bột thuốc sắc với một bát nước, uống vào trước bữa ăn hàng ngày (Y học phát minh).

Chữa viêm gan: Hải kim sa 15g, Nhân trần 30g, Xa tiền thảo 20g; sắc nước uống mỗi ngày một thang (Giang Tây thảo dược).

Đi lị ra máu: Dây và lá thòng bong 60-90g, sắc kỹ với nước, chia thành 2-3 lần uống trong ngày (Phúc Kiến dân gian thảo dược).

Chữa ỉa chảy (phúc tả): Thòng bong cả cây, sắc nước uống (Mân Nam dân gian thảo dược).

Chữa Di tinh, mộng tinh (mộng di): Dây thòng bong đốt tồn tính, nghiền mịn; mỗi lần dùng 4-6g hoà với nước sôi uống (Phúc Kiến dân gian thảo dược).

Chữa đái ra dưỡng chấp (cao lâm): Dùng Hải kim sa 40g, Hoạt thạch 40g, Cam thảo 10g; tất cả đem tán nhỏ, trộn đều. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 8g; dùng nước sắc với khoảng 20g Mạch môn (củ tóc tiên) hoặc 10g Cỏ bấc đèn (đăng tâm thảo) để chiêu thuốc (Thế y đắc hiệu phương).

Chữa tiểu tiện lẫn sỏi sạn (thạch lâm): Dùng Hải kim sa 30g, Hoạt thạch 30g, Bạch mao căn (rễ cỏ tranh) 30g, Kim tiền thảo 60g, Xa tiền thảo (cỏ mã đề) 12g; sắc kỹ với nước, chia 3 phần uống trong ngày (Lâm sàng thường dụng Trung dược thủ sách).

Chữa tiểu tiện xuất huyết :

– Hải kim sa tán thành bột mịn; ngày uống 3 lần, mỗi lần 8g, hoà với nước đường cùng uống (Phổ tế phương).

– Hải kim sa (chỉ dùng dây), Biển súc (dân ta còn gọi là cây càng tôm, cây xương cá; tên khoa học: Polygonum aviculare L. , họ Rau răm) – mỗi thứ 15- 20g, sắc nước uống (Tứ Xuyên Trung thảo dược).

Trà lợi tiểu – Dùng trong các trường hợp tiểu tiện khó khăn: Hải kim sa 60- 90g, sắc với nước, thêm chút đường vào uống thay trà trong ngày (Phúc Kiến dân gian trung thảo dược)

Chữa viêm tuyến vú: Hải kim sa 25- 30g, sắc kỹ với nửa phần nước nửa phần rượu, chia 3 phần uống trong ngày (Lâm sàng thường dụng Trung dược thủ sách).

Phụ nữ ra nhiều bạch đới (đới hạ): Dùng dây thòng bong 1 lạng, cắt thành những đoạn nhỏ, nấu kỹ với thịt lợn nạc thành món hầm; bỏ bã thuốc, ăn thịt và uống nước canh (Giang Tây dân gian thảo dược nghiệm phương)

Chữa bỏng lửa: Hải kim sa thiêu tồn tính, nghiền thành bột mịn, trộn với dầu vừng bôi vào chỗ bị bỏng (Lâm sàng thường dụng Trung dược thủ sách).

Chữa mụn rộp loang vòng: Dây và lá thòng bong tươi đem giã nát, đắp vào nơi bị bệnh ngày 2 lần (Lâm sàng thường dụng Trung dược thủ sách).

Ong vàng đốt bị thương: Dùng lá thòng bong tươi giã nát, đắp vào chỗ bị thương (Quảng Tây Trung thảo dược).

Chữa vết thương phần mền: Dùng lá trầu không tươi 40g, phèn phi 20g, nước 2 lít. Nấu lá trầu với 2 lít nước, để nguội, gạn lấy nước trong, cho phèn phi vào, đánh cho tan, đem lọc để rửa vết thương. Sau khi rửa vết thương, băng bằng thuốc say đây: Lá mỏ qụa tươi bỏ cọng, giã nhỏ đắp lên vết thương; nếu vết thường xuyên thủng thì đắp cả 2 bên: ngày rửa và thay băng 1 lần; sau 3-5 ngày thấy đỡ thì 2 ngày thay băng 1 lần. Nếu vết thương tiến triển tốt nhưng lâu đầy thịt, thì thay thuốc đắp: gồm lá mỏ qụa tươi và lá bòng bong – hai thứ bằng nhau; giã nát đắp vào vết thương, ngày rửa thay băng 1 lần, 3-4 ngày sau lại thay đơn thuốc lần nữa: lá mỏ quạ tươi, lá thòng bong tươi, lá cây hàn the – 3 vị bằng nhau, giã nát, đắp lên vết thương nhưng chỉ 2-3 ngày mới thay băng 1 lần.

(Sưu tầm)

Nguyên nhân gây u tuyến thượng thận và phương pháp điều trị

tuyen_thuong_than

U tuyến thượng thận là một bệnh với đặc điểm có cơn tăng huyết áp kịch phát hoặc thường xuyên kéo dài do khối u tiết quá nhiều catecholamin.

Nguyên nhân

– Do khối u ở một hoặc hai bên tủy thượng thận (khối u phát triển từ tổ chức ưa sắc tiết ra catecholamin).
– U hoặc cường thần kinh giao cảm.
– Cường sản tủy thượng thận.

Triệu chứng

Bệnh thường gặp ở người tuổi trẻ. Điển hình là cơn tăng huyết áp kịch phát: đa số xảy ra đột ngột, một số trường hợp tăng huyết áp thường xuyên nhưng thỉnh thoảng có cơn tăng huyết áp kịch phát hoặc trên nền một cao huyết áp thường xuyên, cơn tăng huyết áp có thể tự phát nhưng cũng có khi sau xúc động, sau stress hoặc do kích thích cơ học như sờ nắn vào vùng bụng, lưng hay do chấn thương bụng, lưng…
Trong cơn huyết áp có thể tăng rất cao 250 – 280/120 – 140 mmHg, cơn cao huyết áp kéo dài vài phút hoặc vài giờ, huyết áp có thể tự giảm về bình thường không cần điều trị gì.

  • Nhịp tim nhanh > 100 ck/phút hoặc có thể có cơn nhịp nhanh kịch phát tần số 140 – 180 ck/phút, cảm giác hồi hộp, đau ngực, hốt hoảng, sợ chết.
  • Nhức đầu dữ dội.
  • Da xanh tái, vã mồ hôi toàn thân, cảm giác ớn lạnh.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Có thể thấy đồng tử giãn.
  • Đái nhiều trong và sau cơn tăng huyết áp kịch phát.
  • Sau cơn, huyết áp giảm về bình thường hoặc có thể tụt, mệt lả do mất nước nhiều, có thể dẫn đến rối loạn nước và điện giải gây trụy tim mạch.
  • Nếu huyết áp cao lâu ngày có thể dẫn đến tổn thương đáy mắt như: xuất tiết, xuất huyết võng mạc, phù gai thị hoặc suy tim, suy thận…
  • image002

Điều trị:

U thượng thận dẫn đến tình trạng tăng huyết áp nặng ở người trẻ vì thế cần được tích cực phát hiện vì đây là trường hợp tăng huyết áp có thể điều trị lành hẳn bằng phẫu thuật cắt bỏ u.

Phương Liên Tổng hợp
Ảnh ST

Cây Diệp Hạ Châu Đắng

Cây Diệp Hạ Châu Đắng (còn gọi là: Chó đẻ răng cưa Phyllanthus urinaria L.)

Cây cỏ mọc hoang nhiều nơi, cao chừng 30cm, cấu tạo lá xếp đều 2 hàng ở 2 bên, dưới lá có những hạt nhỏ li ti giống như hạt ngọc nên có tên gọi là “Diệp Hạ Châu” (hạt dưới lá).Cây có tính mát. Có 2 loại: Diệp Hạ Châu Đắng (vị rất đắng) và Diệp Hạ Châu Ngọt (loại này ít đắng), nhưng loại đắng dùng tốt hơn. Dùng tươi hay khô đều được.

Ứng dụng: thanh nhiệt, giải độc.

–         Chữa suy gan (do nghiện rượu, sốt rét, nhiễm độc…):
Diệp hạ châu đắng 10g (Nếu là loại ngọt dùng 20g). Sắc nước uống hàng ngày.
– Chữa viêm gan do virut B:
Diệp hạ châu đắng 100g, nghệ vàng 5g, sắc nước 3 lần, lần đầu với 3 bát nước lấy 1 bát thuốc. Lần thứ 2 và 3 với 2 bát nước, mỗi lần lấy nửa bát thuốc. Trộn chung rồi chia làm 4 lần uống trong ngày. Uống liền 15 ngày.
– Chữa xơ gan cổ trướng: 
Diệp hạ châu đắng 100g sắc nước 4 lần. Lần đầu với 3 bát nước lấy 1 bát thuốc, 3 lần sau mỗi lần sắc với 2 bát nước lấy nửa bát thuốc. Trộn chung rồi chia làm 6 lần uống trong ngày. Khi hết triệu chứng thì thôi dùng thuốc (khoảng 30-40 ngày).

–         Có thể pha đường vào cho dễ uống. Nếu dùng Cam Thảo thì chỉ nên dùng tối đa là 6g/thang.

(Sưu tầm)

Tham khảo: “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”

Cây THÌA CANH, chữa tiểu đường

SƠ BỘ ĐIỀU TRA, TÌM HIỂU, GIÁM ĐỊNH CÂY THÌA CANH MỌC TRONG TỰ NHIÊN Ở RỪNG NÚI TỈNH HÒA BÌNH

Qua đài báo và truyền hình trong thời gian gần đây các nhà khoa học đã nghiên cứu khả năng điều trị bệnh đái đường của cây Thìa Canh.

Một số hãng Đông dược ở Việt Nam đã quảng cáo chiết xuất chế biến trong thân lá cây thìa canh có một chất có khả năng điều trị bệnh đái đường làm thành viên nang thuận tiện cho người bệnh tiện sử dụng.

Theo từ điển Cây thuốc của Võ Văn Chi – Nhà xuất bản y học năm 1997 – Trang 396 có giới thiệu kỹ về loài cây Thìa Canh như sau:

Thuộc họ Thiên lý (Asclepiadaceae)
Tên khoa học : Gymena Sylvestre (Rezt) R.Brex Schult
Lá có hình dạng giống thìa múc canh nên tiếng Việt gọi nó là cây Thìa Canh hay còn gọi là cây Muôi
.

Bằng khả năng chuyên môn kết hợp dựa vào mô tả hình thái nhận biết và đặc tính phân bố sinh thái của từ điển Cây thuốc của Võ Văn Chi, chúng tôi phát hiện loài dây leo này thường mọc ở các núi đá vôi ẩm ướt, sương mù có độ cao từ 200 ÷ 700m so với mặt biển. Cây dây này được phát tán do hạt có lông bay theo gió gặp nơi hốc đá, kẽ đá ẩm ướt hạt nảy mầm phát triển thành cây bò lan trên mặt đá. Chúng tôi phát hiện có một dây bò lan trên mỏm đá tai mèo. Thân bò đến đâu gặp đất mùn, lá mục lại ra rễ phát triển thành chủ thể mới. Chúng tôi đã chụp được ảnh có lá, quả loài cây dây này tại thực địa. Chúng tôi đối chiếu từ điển và khẳng định đây đúng là cây Thìa Canh mà từ điển mô tả: hình dạng lá, quả, đặc điểm phân loại thực vật về họ, loài đều trùng khớp.

Theo từ điển Cây thuốc của Võ Văn Chi và một số công trình nghiên cứu của các nhà dược thảo cho biết: trong thân và lá cây Thìa Canh có chứa một Glucoside là Acid Gymnemic có đặc tính kích thích tuỵ tạng tiết insulin để làm giảm gluco trong nước tiểu và giảm vị ngọt của đường, vị đắng của thuốc trong vài giờ. Trong lá cây Thìa Canh còn có chất làm nhuận tràng, dễ tiêu hoá, tiêu độc, mát gan, long đờm… Những công trình nghiên cứu này đều khẳng định loài cây này dùng làm thuốc điều trị bệnh tiểu đường rất công hiệu.

Đồng bào Mường ở một số địa phương trong tỉnh Hoà Bình còn cho biết dùng  ngọn lá non loài cây này làm rau ăn rất lành bụng. Người ta dùng ngọn non cây Thìa Canh nấu với măng chua, thịt bò, thịt trâu: ăn bổ, mát, lành bụng.

Chúng tôi đã thu hái thử cả thân và lá đem vầ phơi sấy khô nghiền thành bột mịn để cho người bị bệnh tiểu đường uống thử: ngày 10g, chia 2 lần uống trong ngày sau khi ăn 10 ÷ 20 phút. Sau khi dùng đều đặn trong thời gian từ 1 ÷ 3 tháng người bệnh cho biết đường huyết và sức khoẻ khá ổn định. Những người dùng bột Thìa Canh điều trị bệnh đái đường còn cho biết thêm: uống bột cây Thìa Canh đều đặn thấy trong người mát mẻ, nhẹ nhõm, khoẻ mạnh.

Là con cái Chúa, chúng tôi thiết nghĩ cây Thìa Canh là một loài cây Đ.C.T sắm sẵn để ban cho loài người dùng trong những căn bệnh tiểu đường. Đây là căn bệnh của thời đại – Cái giá phải trả về tội lỗi chấp thực: thi nhau ăn thật ngon, thật nhiều với những vật thực tự cải biên cho thật năng suất không theo ý Đ.C. T. Nhưng Đ.C.T vẫn tha thứ, vẫn yêu thương nên mới sắm sẵn ban cho loài người những loài cây thuốc chữa lành như cây Thìa Canh. Lời Thiên Chúa trong Sách Khải Huyền 22:2 chỉ rõ ngay cả trong Thành Thánh có cây trồng hai bên Dòng Sông Sự Sống và lá nó làm thuốc “chữa bệnh cho các dân tộc”. Điều này chứng tỏ các thảo mộc có dược tính đang và sẽ luôn đóng vai trò thiết yếu để mang lại sự chữa lành bệnh tật cho nhân loại. Cảm Tạ Chúa!

Chúng tôi cũng lấy thử một số dây bám trên đá đem về trồng thử 3 lần: Hai lần đầu là tháng 06/2010 và tháng 10/2010 trên đất feralít đá ong ở vườn nhà ông Hùng tổ 21 phường Chăm Mát, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hoà Bình. Dây tươi được khoảng một tháng rồi thối chết. Lần thứ ba là 28/02/2011, chúng tôi lại tiếp tục lấy về trồng ở khu vườn ươm bảo tồn cây thuốc của ông Hùng  thuộc xã Dân Chủ, thành phố Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình. Đất vườn được khử chua, bón lót phân chuồng ủ hoai. Hiện cây dây vẫn tươi chưa thấy nhú mầm mọc lá mới. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi. Theo chúng tôi nghĩ: loài cây này ưa đất đá vôi trung tính, ẩm, mát. Nơi đất nóng, khô và chua cây khó phát triển (không thích hợp).

Chúng tôi viết bài này mong các bạn đồng nghiệp có chung niềm đam mê trao đổi kinh nghiệm cùng nghiên cứu bảo tồn. Và đặc biệt mong các cấp chính quyền, cùng ngành hữu quan có biện pháp bảo vệ, đầu tư bảo tồn phát triển loài cây quý này tại những vùng mọc tự nhiên, tránh bị khai thác tàn phá cạn kiệt.

 Người sưu tầm, giới thiệu

KS Sinh học Bùi Việt Hùng

Hội viên hội Đông Y TP Hòa Bình
Chủ cơ sở vườn ươm cây cỏ ngọt và cây thuốc Gò Mát,
xã Dân Chủ, T.p Hoà Bình

               ĐT: 0985.249.515

Dây thìa canh – Cây thuốc quý cho bệnh nhân tiểu đường

Trong vài thập niên gần đây cùng với sự phát triển của đời sống, số người mắc bệnh tiểu đường gia tăng nhanh chóng, thực sự trở thành mối lo ngại, rất đáng báo động trên phạm vi toàn thế giới.

Theo điều tra xã hội học toàn quốc năm 2002, tỷ lệ măc bệnh tiểu đường của người từ 30 tuổi đến 64 tuổi của Việt Nam là 2,7% (gần 2 triệu người), riêng khu vực thành thị tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường là 4,4%, trong đó tỷ lệ bệnh nhân chưa chẩn đoán bệnh và điều trị là 64,6%. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm, 44% người bệnh tiểu đường ở nước ta bị biến chứng thần kinh, 71% biến chứng về thận, 8% bị biến chứng về mắt, ngoài ra còn các biến chứng về tim mạch, khớp… Các biến chứng này thường tạo nên các di chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tàn phế suốt đời hoặc tử vong.

Dây thìa canh – cây thuốc quý

Dây thìa canh, có tên khoa học là gymnema sylvestre, 1 loại cây dây leo, thân gỗ, được sử dụng tại Ấn độ, Trung quốc hơn 2000 năm nay để trị bệnh nước tiểu ngọt như mật, nó còn có tên Gurmar, có nghĩa là kẻ huỷ diệt đường. Dây thìa canh được biết đến và sử dụng rộng rãi tại nhiều nước như Ấn độ với tên Diabeticin, Mỹ với tên Sugarest, Singapore với tên Glucos care, Nhật Bản, Trung Quốc, Úc…

Hoạt chất chính trong Dây thìa canh là gymnemic acid, với cơ chế tác dụng của đã được xác định là tăng tiết insulin của tuyến tuỵ, tăng cường hoạt lực của insulin, ức chế hấp thu glucose ở ruột, làm tăng hoạt tính của men hấp thu và sử dụng đường, giảm cholesterol và lipid máu.

Đến nay đã có khoảng 70 nghiên cứu về Dây thìa canh trên thế giới, bao gồm cả nghiên cứu trên động vật và người, các nghiên cứu đã cho thấy tác dụng giảm đường huyết rất rõ rệt của Dây thìa canh.

Dây thìa canh tại Việt Nam

Tại Việt Nam, từ năm 2006 các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Dược Hà Nội do tiến sĩ Trần Văn Ơn, phụ trách bộ môn Thực vật chủ trì đã lần đầu tiên điều tra phát hiện Dây thìa canh tai 1 số tỉnh miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Nhận thấy đây là 1 cây thuốc quý, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập mẫu, phân loại, nghiên cứu thành phần hoá học, tổ chức nuôi trồng để tạo nguồn dược liệu sạch, ổn định để sản xuất sản phẩm phục vụ người bệnh sản phẩm dạng viên nang tiện dùng cho người bệnh.
Kết quả nghiên cứu đề tài được công bố trên tạp chí Dược học – Bộ y tế số 391 tháng 11/2008 cho thấy dây thìa canh tại Việt Nam cũng cho tác dụng hạ đường huyết như dây thìa canh ở nhiều nước khác. Tác dụng hạ đường huyết của dây thìa canh có những điểm tương đống như insulin nhanh: đỉnh tác dụng hạ đường huyết ở 2h và duy trì đến 4h; mức độ hạ đường huyết tương đương ở thời điểm 2h và 4h. Ngoài ra trên một số nghiên cứu khác cho thấy tác dụng giảm cholesterol máu giảm béo phì cũng rất hiệu quả.

Như vậy dây thìa canh có thể ứng dụng điều trị cho cả bênh nhân tiểu đường týp 1 hoặc týp 2 phối hợp với các thuốc điều trị khác để kiểm soát và làm giảm đường huyết, ổn định kéo dài hàm lượng đường huyết, phòng ngừa biến chứng, giảm cholesterol và lipid trong máu, nâng cao đời sống tình dục của bệnh nhân tiểu đường Nam giới. Hiệu quả sẽ rất khả quan đạt được sau đợt dùng 2-3 tháng, kết hợp với chế độ ăn uống và tập thể dục đều đặn.

Có thể nói việc tìm ra cây Dây thìa canh tại Viêt Nam – một dược liệu quý hiếm, phòng ngừa và hỗ trợ điều trị tiểu đường và mỡ máu, mở ra triển vọng lớn ứng dụng các cây thuốc quý Việt Nam cho sức khoẻ con người – một hướng giải pháp an toàn lâu dài cho bệnh nhân tiểu đường luôn sống vui khỏe.

(Theo Sức khỏe & Đời sống)